Việc chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt được xem là tin vui đầu xuân cho ngành du lịch nghỉ dưỡng.
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4 và cố gắng từ cuối tháng 3/2022.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đây là “tin vui” đầu Xuân cho thị trường nói chung cũng như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng, đánh dấu sự kích hoạt trở lại của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Năm 2022 được nhận định là năm quan trọng quyết định sự phục hồi của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, tuy nhiên bên cạnh những điều kiện thuận lợi vẫn có không ít thách thức.
Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã trải qua một năm 2021 nhiều khó khăn khi hứng chịu tác động bất lợi kép của đại dịch Covid-19 cũng như những vướng mắc liên quan đến pháp lý.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản công bố mới đây, trong cả quý IV/2021 không có dự án, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và văn phòng kết hợp lưu trú nào được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thẩm định.
Tương tự, trong quý IV/2021 cũng không có dự án, đơn vị biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú nào được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Bộ Xây dựng nhận định hoạt động của khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng trong quý IV/2021 đã từng bước hoạt động trở lại ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn hết sức hạn chế, chưa thể phục hồi. Do đó, giá các loại bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố thương mại) tại hầu hết các dự án đang mở bán vẫn giữ nguyên mức giá của quý trước đó.
Công suất thuê phòng toàn thị trường chưa tăng, giá thuê phòng khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng bình quân toàn thị trường thời điểm cuối quý IV/2021 giảm khoảng 15÷20% so với thời điểm cuối năm 2020.
Trong năm 2022, theo các chuyên gia, sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cải thiện nhờ những quy định của Luật Đầu tư sửa đổi 2020 và Luật Đất đai 2013 sửa đổi đang hoàn thiện; trong đó có những vấn đề pháp lý của bất động sản du lịch.
Thực tế cho thấy, nội dung hoàn thiện thế chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản hiện là một trong những trọng tâm đề xuất, kiến nghị của Bộ Xây dựng trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ này đang đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 02 Dự án Luật: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý chính là chìa khóa tạo ra động lực cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Theo GS. Võ, vừa qua rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi thị trường đầu tư bất động sản du lịch kiểu mới, nếu muốn thu hút được đầu tư vào phân khúc này, thời gian tới cần phải có khung pháp luật tạo ra được sự hấp dẫn về lợi ích. Có thể cân nhắc sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép người cần đất được lựa chọn giữa hai hình thức mua lâu dài quyền tài sản đất đai hoặc thuê đất với mọi loại đất.
“Nếu mua quyền tài sản đất đai lâu dài sẽ phải chịu thuế đất đai ở tỷ suất cao, thuê quyền sử dụng đất có thời hạn thì chỉ phải chi trả tiền thuê đất cho nhà nước, việc này sẽ giúp việc quản lý trở nên đơn giản hơn” – GS. TSKH. Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Nguồn tin: Theo Lê Sáng/realtimes.vn