Savills Việt Nam ngày 4/4 công bố báo cáo tiêu điểm bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng với trọng tâm về tình hình hoạt động, tiềm năng của thị trường nghỉ dưỡng vốn đã chịu nhiều tác động trong suốt 2 năm dịch bệnh.

Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng trở lại tích cực

Theo ghi nhận của Savills, nguồn cung khách sạn tại thị trường Đà Nẵng trong năm 2022 đạt gần 15.700 phòng từ 117 dự án, trong đó khách sạn 5 sao chiếm hơn 60% số phòng.

Tuyến đường du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng
Theo ghi nhận của Savills, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng đang trở lại tích cực và có động lực để bứt phá

Trong 6 tháng cuối năm 2022, giá thuê khách sạn trung bình đạt 1,8 triệu VNĐ/phòng/đêm, tăng 60% theo năm. Công suất thuê tương đương cùng kỳ năm 2019 ở mức 59%; tuy nhiên công suất cả năm 2022 ở mức 48%, vẫn thấp hơn -13 điểm % so với cả năm 2019.

Các khách sạn từ 4-5 sao mang thương hiệu quốc tế vẫn chứng tỏ được sức hút với thị trường, khi có giá trung bình cao hơn 40% và công suất thuê cao hơn 8 điểm % so với các thương hiệu trong nước và tự quản lý. Tại Đà Nẵng, các đơn vị quản lý quốc tế vận hành 15 khách sạn từ 4 – 5 sao, tương đương với 26% nguồn cung. Trong đó, Accor là đơn vị quản lý quốc tế lớn nhất tại Đà Nẵng với các thương hiệu như Pullman, Novotel và Grand Mercure.

Về triển vọng nguồn cung, Savills cho biết thị trường khách sạn Đà Nẵng sẽ đón nhận 39 dự án bao gồm JW Marriott Đà Nẵng Resort, Wyndham Solei, và Crowne Plaza Bà Nà Hills. Phần nhiều các dự án sẽ ra mắt trong tương lai xa và sự gia nhập này sẽ giúp đáp ứng nguồn cầu gia tăng cũng như sự phục hồi của thị trường.

Đối với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng đến từ 18 dự án, chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn. Năm 2022, nguồn cung đã tăng gần 50% theo năm và nguồn cung sơ cấp đạt mức cao nhất trong 12 năm qua nhờ nguồn cung mới lớn. Điều đó phần nào phản ánh sự cải thiện trong tâm lý các chủ đầu tư sau khi không có nguồn cung mới nào năm 2020 và 2021. Thời gian tới, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng sẽ gồm 15 dự án, chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn.

Số căn biệt thự nghỉ dưỡng bán được trong 6 tháng cuối năm 2022 cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2016, do các dự án mới ra có vị trí tốt, chiến lược tiếp thị mạnh mẽ và danh tiếng của chủ đầu tư đã thúc đẩy tình hình hoạt động. Giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự nghỉ dưỡng là 164 triệu VNĐ/m2, tăng 134% theo năm, chủ yếu do các dự án mới chào bán có mức giá cao.

Các thương hiệu quản lý như Furama, Accor, InterContinental Hotels Group (IHG), Hyatt và Fusion vẫn tiếp tục chiếm lĩnh phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng với 6 trong tổng số 18 dự án. Kể từ năm 2018, giá thứ cấp trung bình của biệt thự nghỉ dưỡng có thương hiệu tăng 14% mỗi năm, trong khi giá của các dự án không có thương hiệu tăng 10% mỗi năm.

Động lực bứt phá cho bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng

Theo Savills, xét về kinh tế vĩ mô, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng đạt 14%, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước (8%); đứng thứ ba cả nước, sau Khánh Hòa (21%) và Bắc Giang (19%). Đáng chú ý, trong năm 2022, doanh thu lưu trú và lữ hành của Đà Nẵng đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 380% theo năm và tăng 2,5% so với 2019.

Soleil Ánh Dương nhìn từ Công viên biển đông
Dự án Soleil Ánh Dương nhìn từ Công viên Biển Đông

Thêm vào đó, Đà Nẵng cũng thành công trong việc hình thành hàng loạt hạ tầng và hệ thống giao thông hiện đại. Sân bay Đà Nẵng dự kiến sẽ nâng công suất từ 15 triệu khách/năm hiện nay lên 25 triệu khách vào năm 2030 và 30 triệu khách vào năm 2050. TP cũng lên kế hoạch phát triển 7 tuyến du lịch đường thủy nội địa đến năm 2025 và xây dựng đội tàu cao tốc, du thuyền, nhà hàng – khách sạn nổi sử dụng công nghệ xanh.

Sau những hạn chế của đại dịch, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng cũng được cải thiện trở lại. Năm 2022, TP đón 7,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 224% theo năm, trong đó 1 triệu lượt khách quốc tế tăng 772% theo năm. Khách nội địa đạt mức cao nhất trong 5 năm với 6,8 triệu lượt, tăng 196% theo năm. Tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn chưa đạt mức 4,8 triệu lượt năm 2018 và 5,2 triệu lượt năm 2019.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, sau hai năm đại dịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Đà Nẵng dần quay trở lại. Tuy tốc độ chưa đạt được như mức trước dịch nhưng các yếu tố nền tảng về kinh tế vĩ mô, sự phát triển trong cơ sở hạ tầng, nhân lực, sức hút đầu tư nước ngoài và sự ưu đãi của thiên nhiên cho các hoạt động du lịch vẫn được giữ vững. Thậm chí, triển vọng của thị trường này sẽ được duy trì tích cực về dài hạn.

Nguồn tin: Hải Châu – DNVN
Ảnh: Phạm Nguyên Hương